CHẬM XÂY DỰNG CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LÃNG PHÍ TRONG LĨNH VỰC TÀI CHÍNH, ĐẦU TƯ

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016 – 2021” với Bộ Công an, Tổ công tác của Đoàn giám sát cho rằng việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư còn chậm.

Toàn cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” với Bộ Công an

Báo cáo kết quả rà soát các Báo cáo của Bộ Công an về giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tư pháp, Tổ trưởng tổ công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Công Long nêu rõ, Bộ Công an đã thực hiện nghiêm túc thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí gồm: các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ; chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020 và các văn bản có liên quan.

Theo đó, Bộ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lực lượng Công an nhân dân; chỉ đạo, quán triệt nhiệm vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong công tác điều hành, quản lý tài chính, ngân sách gắn với nhiệm vụ công tác của từng cơ quan, đơn vị trong toàn lực lượng; xây dựng và ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 và Chương trình hằng năm; ban hành các văn bản theo thẩm quyền quy định về tiêu chuẩn, định mức đảm bảo vật chất, hậu cần, trang bị trong công an nhân dân.

Tổ công tác cho biết, các đơn vị trực thuộc Bộ Công an đã thực hiện nghiêm túc các nội dung thuộc Chương trình tổng thể của Chính phủ, của Bộ Công an về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những kết quả tích cực như: Triển khai các biện pháp cân đối thu, chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; Triển khai nghiêm túc các biện pháp nhằm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn lực lượng; Ứng dụng công nghệ thông tin trong tiết kiệm chi phí hoạt động đặc thù của ngành Công an; Kiểm soát chi chặt chẽ trong thực hiện các đề án, dự án đầu tư, mua sắm trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật; Chủ động cắt giảm hoặc lùi thời gian thực hiện những nhiệm vụ chi tài chính chưa cấp thiết; Thực hiện nghiêm túc các quy định về công khai, dân chủ, minh bạch, khai thác sử dụng tài sản công.

Bên cạnh đó, công tác thành tra, kiểm toán, giám sát trong lực lượng công an nhân dân được tăng cường, phát hiện, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính trong lực lượng công an nhân dân. Quyết liệt đối mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy tính gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo các Nghị quyết của Trung ương.

Tuy nhiên, Tổ công tác cũng cho rằng, việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong lực lượng công an nhân dân vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần được trao đổi, làm rõ thêm. Cụ thể, việc lập, ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 và hàng năm còn chậm; Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền trong lĩnh vực tài chính, đầu tư còn chậm; công tác nghiên cứu, xây dựng văn bản ở một số đơn vị còn chưa được quan tâm đúng mức; Việc chi tiêu và thanh quyết toán đối với kinh phí khoa học công nghệ tỷ lệ thấp, làm giảm hiệu quả sử dụng các nguồn kinh phí. 

Tổ công tác cũng cho rằng, trong đầu tư xây dựng cơ bản vẫn còn một số công trình thi công vượt tổng mức đầu tư; một số dự án đầu tư triển khai chậm so với kế hoạch; công tác duy tu, bảo trì công trình chưa được chú trọng; Một bộ phận cán bộ, chiến sỹ làm công tác tài chính, hậu cần, kỹ thuật tại Công an các đơn vị, địa phương chưa nhận thức đầy đủ, đúng đắn về chủ trương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí nên công tác tham mưu triển khai thực hiện còn lúng túng; Số cuộc thanh tra, kiểm tra liên quan đến thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa nhiều, chưa tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên đề về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Cùng với đó, việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất an ninh chậm. Hiện tại, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 39/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về quy hoạch sử dụng đất quốc gia 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch sử dụng đất quốc gia 2021 – 2025. Tuy nhiên, đến nay toàn ngành vẫn chưa hoàn thành việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết số 134/2016/QH13.

Đánh giá về việc triển khai dự án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý, sản xuất căn cước công dân, Tổ công tác cho rằng Bộ đã đạt được kết quả khả quan. Các dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử, có tầm ảnh hưởng chiến lược lâu dài đến công tác quản lý nhà nước nói chung và an ninh trật tự nói riêng, chuyển đổi phương thức quản lý trên nền tảng ứng dụng khoa học, công nghệ, đồng thời, hướng tới bảo đảm cao nhất an ninh, an toàn thông tin và lợi ích cho người dân. Các dự án được thực hiện đã mang lại những tác động tích cực trong quản lý xã hội; góp phần cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến công dân; làm giảm chi phí giấy tờ, thời gian xác minh, đi lại cho công dân; giảm ngân sách nhà nước khi xây dựng các Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các loại hồ sơ, sổ sách; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc xác lập danh tính điện tử của công dân thông qua mã số định danh cá nhân...

Nhằm hoàn thiện các báo cáo của Bộ Công an, Tổ Công tác cho rằng các báo cáo cần được bổ sung thêm thông tin, số liệu. Cụ thể: Báo cáo chưa đề xuất, kiến nghị về cơ chế chính sách pháp luật nhằm thực hiện tốt công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bộ và trong lĩnh vực quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền; Chưa tổng hợp đầy đủ khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế, những nội dung chưa triển khai theo quy định và các văn bản quản lý; Chưa làm rõ nguyên nhân của các tồn tại, hạn chế và việc chậm tham mưu ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo thẩm quyền;

Ngoài ra, Tổ công tác đề nghị Bộ bổ sung trong báo cáo các thông tin liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng, khai thác các tài sản công như: trụ sở làm việc, trang thiết bị phương tiện làm việc còn dôi dư, chưa được xử lý sau khi thực hiện tổ chức sắp xếp bộ máy; Thông tin về giá trị tiết kiệm qua các hoạt động đã được lượng hoá (như tính giảm đầu mối bộ máy; số lượng biên chế các chức danh cấp Cục, Phòng, Đội, Trưởng, phó Công an cấp xã...); Số lượng, giá trị về lãng phí do chậm đưa vào sử dụng diện tích đất an ninh và số lượng, giá trị các cơ sở nhà đất chưa sắp xếp lại tại 31 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo Hồ Hương

Để lại Đánh giá

Email của bạn sẽ được giữ kín, các trường cần điền sẽ đánh dấu *

Đánh giá*

Họ tên *

Email *